Đối với những barista lành nghề hoặc các bạn đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và pha chế thức uống thì việc tiếp xúc cũng như phân biệt giữa cà phê mộc (cà phê nguyên chất) và cà phê tẩm hương liệu trở nên quá đỗi quen thuộc. Nhưng đối với người thưởng thức thông thường thì đó là một trở ngại lớn, trong khi thị trường hiện tại có quá nhiều sự lựa chọn về chủng loại cà phê trên đặc biệt thường thấy nhất đó là việc lựa chọn bột cà phê phù hợp để pha cà phê phin truyền thống. Trong bài viết này hãy cùng AROMA Training Center tìm hiểu xem các đặc điểm phân biệt cà phê mộc và cà phê tẩm nhé
Màu của bột cà phê:
Cà phê mộc thường sẽ có màu nâu sáng đến nâu đậm tùy vào mức độ rang nhưng nhìn chung thì khá đồng đều về màu sắc bột (cũng có thể có sự khác biệt về màu sắc bởi tỉ lệ trộn giữa các loại cà phê khác nhau với mức độ rang khác nhau là Arabica và Robusta , nhưng cơ bản là không quá ảnh hưởng quá nhiều đến độ đồng đều về màu sắc của bột). Ở cà phê trộn tẩm thường sẽ được trộn thêm hạt bắp hoặc đậu nành, các loại hạt này khi rang sẽ cho ra màu khá đậm hơn so với cà phê khi rang cùng một mẻ cho nên màu sắc khi xay thành bột sẽ không có độ đồng đều như cà phê nguyên chất 100%.
Bột cà phê khi ủ và chiết xuất:
Cà phê tẩm và cà phê mộc cũng có thể dễ dàng phân biệt trong quá trình pha. Đặt trường hợp các bạn sử dụng bột cà phê để pha cà phê phin thì cà phê mộc khi gặp nước nóng sẽ giải phóng môt lượng CO2 khá lớn và sẽ nở phồng lên, ngược lại ở cà phê tẩm thì các hương liệu tẩm vào cà phê khá dễ bị hòa tan và vì lượng cà phê mộc chiếm tỉ lệ thấp nên độ nở của bột sẽ rất thấp, thậm chí với nhiều loại cà phê tẩm bột cà phê sẽ xẹp xuống trông thấy khi tiếp xúc với nước nóng và tạo thành dòng chảy giọt ngay tức thì.
Hương thơm:
Hương thơm của bột cà phê thường được nhiều bạn suy nghĩ sẽ có mùi "thơm nồng" nhưng thật chất đối với bột cà phê mộc thì hương thơm khá nhẹ nhàng, thơm dịu mùi đậu rang nếu tỉ lệ hạt Robusta cao hoặc thoang thoảng các mùi hương thơm hoa, quả,... phức tạp hơn khi tỉ lệ Arabica cao. Còn ở cà phê tẩm mùi thơm nồng của bơ khá rõ ràng bởi nơi sản xuất thường sẽ tẩm thêm bơ vào cà phê, ngoài ra có các hương khác như hương từ rượu và một số loại hương khác mà chúng mình không tiện nhắc tên.
Màu sắc và vị của nước cà phê:
Một số vị khách nếu là lần đầu uống cà phê mộc pha phin và đã được biến tấu thành cà phê đen/sữa Sài Gòn, bạc xỉu,... sẽ có ý kiến ví von rằng nước pha từ cà phê mộc có màu và vị "như nước đậu ván", bởi vì cà phê mộc sẽ cho ra nước cà phê màu nâu cánh gián, ít sẩm màu và ít sánh hơn các loại cà phê được tẩm các phụ gia. Ngoài ra cà phê mộc cũng mang vị đắng dễ chịu, hậu vị ngọt nhẹ chứ sẽ không bị ảnh hưởng bởi vị béo ngậy từ bơ cũng như các vị được mang tới từ các loại đậu/hạt rang khác như cà phê tẩm trộn.
Giá thành:
Giá thành là yếu tô để dễ dàng để phân biệt được chất lượng của cà phê mà người dùng lựa chọn. Nếu loại cà phê đó giá khá thấp hơn so với giá mặt bằng chung trên thị trường thì nguy cơ bạn mua phải loại cà phê trộn tẩm là khá cao. Một kí cà phê phin nguyên chất thường có giá giao động từ 120.000vnđ-150.000vnđ trở lên.
Ngoài ra ở các khóa học về cà phê phin tại Aroma Training Center, giảng viên còn có một cách khác để phân biệt bột cà phê, đó là cho hai loại bột cà phê vào hai cốc nước lọc tinh khiết khác nhau, cốc nào các mảnh bột cà phê lơ lửng trên bề mặt một thời gian sau đó từ từ chìm xuống thì đó chính là cà phê mộc, cốc nào tốc độ bột cà phê hòa tan và nước đổi màu thành màu nâu sẩm khá nhanh thì đó là cà phê đã tẩm trộn, bởi các mảnh bột được xay từ đậu hoặc bắp nặng hơn nước và các chất tẩm phụ gia cũng khá dễ dàng tan trong nước hơn so với cà phê mộc.
Vậy uống cà phê tẩm trộn có gây hại hay không?
Thật chất việc tẩm phụ gia, hương liệu hay trộn bắp và đậu vào cà phê là một việc không lấy làm xa lạ đối với văn hóa uống cà phê của người Việt chúng ta, có nhiều nhà sản xuất vẫn công khai các thành phần hương liệu tẩm có trong bột cà phê, được kiểm duyệt thậm chí là xuất khẩu ra thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam thì việc kiểm soát cách thành phần phụ gia khi sản xuất cà phê vẫn chưa được chặt chẽ đối với các xưởng rang, hộ cá thể kinh doanh cà phê chỉ chú trọng vào doanh thu và không màn đến chất lượng cũng như sức khỏe của khách hàng.
Ở bài viết này, ATC không lên án cũng như không cổ súy cho việc sử dụng cà phê tẩm trộn, chỉ hi vọng sau bài viết này mọi người sẽ sẽ trở thành một người tiêu dùng thông minh, nắm được cách phân biệt cà phê tẩm trộn và cà phê nguyên chất và có sự lựa chọn phù hợp cũng như đảm bảo sức khỏe khi uống cà phê mỗi ngày.
0 Bình luận